Ban Mai Xanh
Banner tin tức

Công nhân kiến nghị giữ nguyên chính sách bảo hiểm xã hội một lần

Ngày đăng tải 28/06/2023
Chia sẻ
 

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân, lao động (Ảnh:MAI CHI)

 

Giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, phương án giải quyết chế độ BHXH một lần, mức tiền lương đóng BHXH, cách tính lương hưu hay chính sách mua nhà ở xã hội, phát triển khu lưu trú cho công nhân…là các vấn đề được công nhân, lao động quan tâm góp ý trong buổi tiếp xúc với các Đại biểu Quốc hội

Công nhân lao động huyện Củ Chi, TP HCM dự buổi tiếp xúc với các Đại biểu Quốc hội (Ảnh: MAI CHI)

 

Sáng 5-5, LĐLĐ TP HCM đã phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức tiếp xúc với 300 cử tri là công nhân, lao động tại huyện Củ Chi và quận Bình Tân, TP HCM.
Thành phần các đại biểu Quốc hội tham gia tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi gồm Bà Nguyễn Thị Lệ, phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM; Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM và Thiếu tướng Phan Văn Xưng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP. Tại quận Bình Tân gồm các đại biểu: Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM; Ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành Ủy TP HCM; Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.
 

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri (ẢNH: MAI CHI)

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đặc biệt là các nội dung liên quan thiết thân đến quyền lợi của người lao động như đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm; 2 phương án giải quyết chế độ BHXH một lần; 2 phương án căn cứ xác định mức tiền lương đóng BHXH; cách tính lương hưu; bổ sung một số chính sách của BHXH tự nguyện; xử lý tình trạng chậm đóng BHXH; chính sách mua nhà ở xã hội, phát triển khu lưu trú cho công nhân, xây dựng các thiết chế Công đoàn cho công nhân…

 

Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là công nhân, lao động tại huyện Củ Chi, TP HCM (Ảnh:MAI CHI)

 

Theo Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (sử dụng khoảng 6.000 lao động, huyện Củ Chi, TP HCM), đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm của dự thảo Luật BHXH sửa đổi là nhằm mục đích tăng số lượng người được hưởng chế độ hưu trí và giảm số lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, đa phần người lao động hiện nay xem khoản đóng BHXH là khoản tích lũy và sẽ rút ra bằng mọi giá. Do vậy, dù giảm số năm đóng BHXH giảm xuống còn 10 năm thì khi làm việc được 9 năm người lao động cũng sẽ nghỉ việc và rút BHXH một lần. Nên việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần là không khả thi. "Nếu nhất thiết phải giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm như dự thảo thì cần xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động như trước đây, tức nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi"- ông An kiến nghị.

 

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho, góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đối (Ảnh:MAI CHI)

 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi), cho rằng trước năm 2008 mức đóng BHXH của người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định rất thấp. Trong khi đó, lương hưu lại được tính trên bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng, dẫn đến lương hưu thấp. Bên cạnh đó, đang có sự không công bằng giữa cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ khi lao động nữ đóng BHXH 15 năm thì được tính 45%, trong khi lao động nam phải đóng 20 năm mới được tính 45%. Do đó, bà Hiền đề nghị nên điều chỉnh lại cách tính lương hưu cho người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo hướng tính bình quân tiền lương của thời gian đóng 5-10 năm cuối, đồng thời lao động nam có 20 năm đóng cũng được tính tỉ lệ 45% như nữ nhằm tạo sự công bằng và cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống người lao động khi về già

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: THANH NGA)

 

Chị Mai Ngọc Trâm Em, công nhân Công ty TNHH JW Global (huyện Củ Chi), kiến nghị nên giữ nguyên quy định về giải quyết chế độ BHXH một lần như hiện nay theo phương án 1 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Thêm vào đó, giảm thời gian chờ đợi để rút BHXH một lần từ 12 tháng xuống còn 3 tháng sau khi nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH để người lao động có khoản trang trải trong thời gian không có việc làm. "Theo tôi, nếu chính sách này thay đổi người lao động sẽ phản ứng rất quyết liệt vì đây là nguồn tài sản của họ"- chị Em nói.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, tặng quà cho công nhân tại quận Bình Tân ( Ảnh: THANH NGA)

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết công nhân, lao động rất quan tâm đến Luật BHXH, cụ thể là vấn đề rút BHXH 1 lần và lương hưu. Theo ông Hải, mức lương hưu hiện nay rất thấp, không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu khiến người lao động không mặn mà với lương hưu mà muốn rút BHXH một lần. Do đó, cần phải xem xét lại cách tính lương hưu sao cho phù hợp, tạo động lực cho người lao động ở lại hệ thống BHXH.

Vấn đề xử lý doanh nghiệp nợ BHXH cũng được các cử tri quan tâm. Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Vĩnh Phong (quận Bình Tân) cho biết rất đồng tình với đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên và hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Song cần bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động.

 

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM, tặng quà cho công nhân, lao động huyện Củ Chi (Ảnh:MAI CHI)

 

Góp ý cho Luật Nhà ở (sửa đổi) tại các buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri đều mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi để người lao động nhập cư được mua nhà ở xã hội đồng thời tạo điều kiện để họ được tiếp cận với gói 120.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa triển khai để thúc đẩy nhà ở xã hội. người lao động cũng cho rằng cần bổ sung đối tượng được thụ nhà lưu trú công nhân đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài KCN vì thực tế tại nhiều địa phương, số lượng lao động ngoài KCN còn đông hơn trong KCN. Vì vậy, không nên có sự phân biệt giữa 2 nhóm đối tượng này. Song song đó, người lao động cũng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam được xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội cũng như các thiết chế Công đoàn dành cho công nhân nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống, giúp công nhân an cư lạc nghiệp.

 

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân, lao động (Ảnh:MAI CHI)

 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Lệ tri ân những đóng góp của lực lượng công nhân, lao động cho sự phát triển của TP HCM 48 năm qua, đồng thời ghi nhận đầy đủ ý kiến góp, các hiến kế của cử tri để trình lên Quốc hội trong các kỳ họp thông qua các dự thảo luật liên quan sắp tới.

Nhân dịp Tháng Công nhân, tại buổi tiếp xúc ban tổ chức đã tặng 300 phần quà (500.000 đồng/phần) cho công nhân, lao động khó khăn.

(Nguồn : Bài và ảnh: MAI CHI- THANH NGA; nld.com.vn)

Tin liên quan

Đối tác của chúng tôi

Shopee
Lazada
Zalo