Ban Mai Xanh
Banner tin tức

BÁO CÁO KINH TẾ THƯỜNG NIÊN NGÀNH THỰC PHẨM VÀ ĐỒ UỐNG NĂM 2023

Ngày đăng tải 28/06/2023
Chia sẻ

I. Tổng quan đóng góp tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 của ngành nông nghiệp (chế biến) và bán lẻ.
Là quốc gia châu Á duy nhất được Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022, Việt Nam đang là điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám toàn cầu. Việt Nam vững vàng, kiên định và phục hồi mạnh mẽ kể từ đợt suy giảm do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 vào thời điểm năm 2022. 
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021 (1). 
Sự hồi phục diễn ra tại hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, trong số đó có ngành Thực phẩm – Đồ uống. Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp +0,27% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản tăng 4,43%, +0,12% (1). Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Theo đó, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm 2021, + 0,97%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng cao nhất khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, +0,79%. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,88%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33% (1).

II Tổng quan ngành sản xuất công nghiệp Thực phẩm – Đồ uống Việt Nam năm 2022
Sự hồi phục diễn ra tại hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, trong số đó có ngành Thực phẩm – Đồ uống (F&B). Theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy gần 90% số doanh nghiệp trong ngành đã đạt năng suất hoạt động trên 80% mức trước đại dịch, thậm chí trên 60% trong số đó đã vượt mức trước đại dịch (2). 
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, doanh thu ngành F&B cải thiện tích cực ở tất cả các kênh phân phối, tiêu thụ. Đáng chú ý nhất là sự bứt phá của kênh truyền thống như chợ, cửa hàng đại lý, mua bán trung gian, thương lái với 85,7% số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu, tăng (+) 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay thương mại điện tử tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Kênh tiêu dùng tại chỗ cũng phục hồi mạnh mẽ (+30%) (2).
Động lực tăng trưởng của ngành F&B trong giai đoạn vừa qua đến từ 2 nguồn chính. Thứ nhất, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, +19,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là sự trở lại của người lao động và sinh viên tại các thành phố trong nền kinh tế bình thường tiếp theo, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó có thực phẩm – đồ uống. Thứ hai, xu hướng dịch chuyển từ các kênh truyền thống sang hiện đại được định hình bởi giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Y và Z. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, phần lớn giới trẻ tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm – đồ uống thông qua các kênh hiện đại: siêu thị, đại siêu thị (98%), online (67%) và cửa hàng tiện lợi (41%) (2).


Hình 1. Tổng hợp doanh nghiệp ngành Thực phẩm – Đồ uống, tháng 8/2021 và tháng 8/2022, nguồn: Vietnam Report.

Tổng chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2022 - 2025. Người tiêu dùng trong nước sẽ duy trì sức mua mạnh mẽ đối với mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, đồ uống. Mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành dịch vụ ăn uống có thể lên tới 8,5% trong giai đoạn 2022 ÷ 2027. Cho thấy tiềm năng thị trường bùng nổ trong giai đoạn “bình thường mới” khi mà trước thời điểm đại dịch, CAGR giai đoạn 2021 ÷ 2025 được dự báo ở mức 4,98% (2). 
Sự bùng nổ ngành F&B được hỗ trợ bởi những thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy xu hướng dịch chuyển các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng sản phẩm dinh dưỡng, lành mạnh ngay cả khi giá cả gia tăng. Thị hiếu của người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm ở phân khúc cao cấp với chất lượng cao, mang lại giá trị xanh (sạch) và sự tiện lợi. Người tiêu dùng dành sự quan tâm rất lớn tới tính tiện dụng (4,4/5), hoặc tính thân thiện với môi trường (4.3/5) bên cạnh những đặc tính cơ bản như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, in rõ thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, bao bì đẹp v.v… khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm – đồ uống (2).


Hình 2. Xu hướng người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm – đồ uống, nguồn: Vietnam Report.

III. Tổng quan ngành dịch vụ Ẩm thực, thực phẩm – Đồ uống Việt Nam năm 2022
Việt Nam ước tính có 338.604 nhà hàng năm 2022, vốn hóa đạt gần 610 nghìn tỷ ( +39% so với năm 2021). Doanh thu thị trường ăn ngoài năm 2022 hồi phục sát với mốc trước khi dịch COVID-19, đạt 333,69 nghìn tỷ. Quy mô thị trường giao đồ ăn tại ở mức 29,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại điện tử thực phẩm – đồ có ≈12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến với tốc độ tăng trưởng người dùng hằng năm 17,5%, ≈ 1,8 triệu người (3). 


Hình 3. Tổng quan ngành dịch vụ F&B năm 2022, nguồn: iPOS.vn.

Doanh thu ngành dịch vụ F&B tại Việt Nam dự kiến đạt 720.300 tỷ đồng vào năm 2023, và có tiềm năng phát triển vô cùng lớn với dự báo đạt gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026. Cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B năm 2022 có sự phân hóa mạnh mẽ khi 95% doanh thu đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ (nhà hàng, quán ăn, các cơ sở hoạt động độc lập có một hoặc nhiều nhưng ít hơn 10 cửa hàng dịch vụ ăn uống và không liên kết với bất kỳ doanh nghiệp nào khác, chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp gia đình hoặc quan hệ đối tác). 5% thị phần và doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống (có tối thiểu 10 cửa hàng có thương hiệu). Như vậy, các nhà hàng, quán ăn uống độc lập vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả tại Việt Nam, lý do lớn nhất chính là giá tại các chuỗi dịch vụ ăn uống khá cao (3).
Trong quá trình chuyển đổi số, đang chú ý có 46,5% doanh nghiệp dịch vụ F&B chưa tham gia bán hàng trực tuyến. GrabFood (29%) và ShopeeFood (27,8%) đang là 2 ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất. Mặc dù có sự phổ biến cao, tuy nhiên mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok v.v…) chỉ có 2,9% doanh nghiệp sử dụng (3).
Về nhân sự ngành dịch vụ F&B có tính đặc thù là một ngành có nhân sự khá phức tạp, có rất nhiều vấn đề thể hiện ở 99,1% doanh nghiệp lo ngại về vấn đề nhân sự. Tìm kiếm nhân sự là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp dịch vụ F&B 49,5%. Các yếu tố gây lo ngại lớn nhất là nhân viên thiếu chuyên nghiệp (37%), lương (35,5%) và giữ chân nhân sự (30,3%). Nhân viên ngành dịch vụ F&B thường phải kiêm nhiệm cao, một người nhưng phải làm 2 ÷ 3 vị trí. Cơ hội thăng tiến không rõ ràng. Chưa kể, phía doanh nghiệp sử dụng lao động cũng hiếm khi đóng Bảo hiểm xã hội, không có lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Điều này dẫn đến sức hấp dẫn công việc ngành dịch vụ F&B ngày càng suy giảm trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, 16,3% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xếp lịch làm việc, 10,4% gặp sai sót khi tính lương. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp vẫn sử dung cách quản lý ca truyền thống qua Excel, Zalo, hoặc máy chấm công vân tay.
Đối với nhóm ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm phụ trợ nhóm dịch vụ F&B. Quy mô thị trường cà phê Việt Nam dự kiến đạt 11.779 tỷ đồng vào 2023, hướng tới 15.837 tỷ đồng vào năm 2027. Quy mô thị trường trà Việt Nam dự kiến đạt 10.049 tỷ đồng trong năm 2023 hướng tới 15.059 tỷ đồng vào 2027. Quy mô thị trường đồ uống có cồn Việt Nam dự kiến đạt 4.831 tỷ lít trong năm 2023, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong giai đoạn 2022 ÷ 2026 và hướng tới gần 6 nghìn tỷ lít vào năm 2026. Trong đó, bia vẫn là động lực chính giúp tăng trưởng ngành đồ uống có cồn. Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kg lít năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu. Xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, với mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi ngày là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm.
IV. Tổng quan hành vi người tiêu dùng thực phẩm – đồ uống năm 2022.
Đối với dịch vụ F&B, 42,8% người tiêu dùng có ăn ngoài (quán ăn), 50% người tiêu dùng có đi café (đồ uống nói chung). Tuy nhiên tần suất sử dụng dịch vụ F&B không cao, từ 1 – 2 lần / tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với tất cả các nhóm tuổi. Tệp khách hàng lớn nhất trong thị trường dịch vụ F&B là sự giao thoa giữa cuối thế hệ Gen Y (nhóm khách hàng sinh ra trong khoảng từ năm 1981 ÷ 1996) và đầu thế hệ Gen Z (nhóm khách hàng sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 ÷ 2012) (3).


Hình 4. Tần suất sử dụng dịch vụ F&B của người tiêu dùng VIệt Nam năm 2022, nguồn: iPOS.vn.

Hương vị ngon, giá cả, sạch sẽ là 3 yếu tố hàng đầu của người tiêu dùng khi lựa chọn quán ăn. Hương vị, giá cả và không gian là 3 yếu tố hàng đầu của người tiêu dùng khi lựa chọn quán đồ uống (3).
10.000 ÷ 30.000 VND là chi phí phổ biến của người tiêu dùng cho bữa sáng, 31.000 ÷ 50.000 VND là chi phí phổ biến cho bữa trưa và bữa tối. 41.000 ÷ 70.000 VND là chi phí phổ biến khi đi café (quán đồ uống nói chung) và cá biệt 500.000 VND là chi phí cho các bữa ăn hội họp bạn bè, gia đình, họp mặt, tiệc tùng, sinh nhật, cưới hỏi v.v… (3).
Đối với thị trường sản phẩm công nghiệp thực phẩm, bối cảnh giãn cách xã hội, từng bước “sống chung với COVID-19” đã hình thành xu hướng linh hoạt, dễ chấp nhận trong việc lựa chọn thương hiệu của người tiêu dùng. Năm 2022, xu hướng này tiếp tục được duy trì và phát triển nhờ nhu cầu trải nghiệm sản phẩm mới gia tăng (+29,7%). Thêm vào đó, nếu tình trạng giá cả hàng hóa tiếp tục tăng, phần lớn người tiêu dùng sẽ mua ít hơn với số lượng thấp hơn của cùng một thương hiệu (74,5%); Chỉ mua khi có phiếu giảm giá (58,8%); hoặc chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn (56,9%) (2). 
Trong cả nhóm dịch vụ F&B và công nghiệp thực phẩm, người tiêu dùng Việt Nam rất thích khuyến mãi và thường sẵn sàng chi tiêu khi có khuyến mãi. 2 hình thức khuyến mãi ưa thích nhất của người tiêu dùng là giảm x% (70,1%, phổ biến kênh dịch vụ F&B) và mua x tặng y (52,3%, phổ biến mua hàng công nghiệp thực phẩm) (3).


Hình 5. Lý do chọn thương hiệu thực phẩm – đồ uống của người tiêu dùng, nguồn: Vietnam Report.

Tài liệu tham khảo
1. GDP năm 2022 ước tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua (baochinhphu.vn)
2. Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2022 (vietnamreport.net.vn)
3. Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 - iPOS
Th.S Lâm Đức Cường (Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến)

Tin liên quan

Đối tác của chúng tôi

Shopee
Lazada
Zalo