Ban Mai Xanh
Banner tin tức

VIETNAM FOODSERVICE REPORT 2023: XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TẠI VIỆT NAM

Ngày đăng tải 26/06/2023
Chia sẻ

FOODSERVICE LÀ GÌ?

Foodservice (Dịch vụ thực phẩm, hay còn gọi là Dịch vụ ăn uống) là ngành dịch vụ chịu trách nhiệm cho việc chuẩn bị, trình bày và phục vụ đồ ăn thức uống cho khách hàng nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức nấu nướng tại nhà.

Nhìn chung, Foodservice là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay, tính trên phạm vi toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, và tất cả các phân khúc thị trường trong ngành đều chịu sự ảnh hưởng của xu hướng số hóa và kinh doanh trực tuyến.Đương nhiên, mỗi phân khúc sẽ có các xu hướng phát triển cụ thể dành riêng cho nó, chẳng hạn như sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ các loại cà phê có hương vị nguyên bản hoặc có nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh cà phê.

Dự báo, trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi của ngành dịch vụ ăn uống, đặc biệt là khi có tác động từ các sự kiện ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như dịch bệnh hoặc tình hình chiến sự giữa các quốc gia (VD: xung đột giữa Ukraine và Nga).

CÁC LOẠI HÌNH DỊCH VỤ FOOD SERVICE PHỔ BIẾN

Ngành Foodservice có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó các loại hình dịch vụ Food Service thường gặp nhất gồm có:

  • Dịch vụ ăn uống bên ngoài (OOH Foodservice) như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cửa hàng ăn uống…
  • Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.
  • Dịch vụ đi chợ hộ & giao thực phẩm tận nơi.
  • Dịch vụ bếp ăn công nghiệp tại trường học, công ty, bệnh viện…
  • Dịch vụ cung cấp công thức nấu ăn, chế biến thực phẩm.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH FOODSERVICE TRÊN THẾ GIỚI

Tổng Quan Thị Trường Dịch Vụ Ăn Uống Toàn Cầu

Trong khi đại dịch Covid-19 gây ra sự sụt giảm doanh thu trên nhiều phân khúc dịch vụ thực phẩm và đồ uống, các số liệu đã bắt đầu quay trở lại mức trước đại dịch và các dự báo đang dự đoán mức tăng trưởng trong tương lai, bao gồm cả mức tăng trưởng của toàn ngành.

Cụ thể, doanh thu thị trường Food Service toàn cầu đạt mức 2520 tỉ USD trong năm 2021, và dự báo sẽ lên mức 4430 tỉ USD vào năm 2028, tương đương quy mô thị trường được mở rộng thêm 1.76 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9.9%..

Doanh thu ngành dịch vụ Foodservice toàn cầu năm 2021 và dự báo năm 2028 (Nguồn: Statista)
Doanh thu ngành dịch vụ Foodservice toàn cầu năm 2021 và dự báo năm 2028 (Nguồn: Statista)

Đặc biệt, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn dự kiến trước đại dịch trong những năm tới.

Xu Hướng Phát Triển Thị Trường Giao Đồ Ăn Trực Tuyến (Online Food Delivery) Trên Thế GiớiThị trường giao đồ ăn trực tuyến đã đạt mức 760 tỉ USD vào năm 2022, trong đó 460 tỉ USD được tạo ra từ phân khúc giao hàng tạp hóa (grocery delivery) và 300 tỉ USD từ phân khúc giao đồ ăn.

Dự kiến năm 2027, thị trường giao đồ ăn trực tuyến được dự báo sẽ tạo ra doanh thu đạt 1450 tỉ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 18.2%.

Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu từ năm 2017 - 2022 và dự báo đến năm 2027 (Nguồn: Statista, 03/2023)
Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu từ năm 2017 – 2022 và dự báo đến năm 2027 (Nguồn: Statista, 03/2023)

Tình Hình Phát Triển Thị Trường Dịch Vụ Thức Ăn Nhanh (Quick Service Restaurant) Toàn Cầu

Thị trường dịch vụ thức ăn nhanh vẫn tiếp tục là phân khúc có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành dịch vụ ăn uống, dù là thời điểm trong hay sau đại dịch.

Tình hình phát triển thị trường dịch vụ thức ăn nhanh toàn cầu từ 2012 - 2022
Tình hình phát triển thị trường dịch vụ thức ăn nhanh toàn cầu từ 2012 – 2021 và dự kiến năm 2022 (Nguồn Statista, 03/11/2022)

Lý do là vì ngay từ thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, các doanh nghiệp này đã phát triển hệ thống đặt hàng trực tuyến và giao hàng tại nhà cho riêng mình, do đó, họ đã có sự chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng duy trì hoạt động kinh doanh của mình khi đại dịch lan rộng ra toàn cầu.

Các chuỗi cửa hàng bán đồ uống có hình thức kinh doanh tương tự như nhà hàng dịch vụ nhanh cũng phát triển rất tốt, ngược lại, các quán bar, câu lạc bộ đêm bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.

Thay Đổi Về Hành Vi Tiêu Dùng Trong Ngành Dịch Vụ Ăn Uống

Trong thời điểm từ 2019 – 2021, nhu cầu của người tiêu dùng đối với dịch vụ ăn uống cũng có sự thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch và các chính sách kiểm soát dịch của chính phủ các nước.

Theo đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh đặc biệt, đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi là các yêu cầu quan trọng nhất đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Tuy nhiên, sau khi chính sách kiểm soát dịch được gỡ bỏ hoặc hạn chế, người tiêu dùng đã bắt đầu quay trở lại với việc ăn uống trực tiếp tại cửa hàng.

Bây giờ, hãy cùng đi sâu và tìm hiểu tình hình phát triển của ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam như thế nào.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG FOODSERVICE TẠI VIỆT NAM

Tổng Quan Thị Trường Food Service Tại Việt Nam

Văn hóa ăn uống bên ngoài của người Việt

Người Việt Nam thích ăn ngoài, dù đó là thời điểm sáng, trưa hay tối.

Nói cách khác, việc ăn uống bên ngoài không còn là hoạt động xa xỉ, mà nó đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của người dân tại Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị.Lý do là vì người dân ở khu vực này có nhịp sống nhanh hơn, giờ làm việc dài và di chuyển nhiều hơn, do đó, họ cần cắt giảm thời gian chuẩn bị bữa ăn để đảm bảo đủ thời gian cho các hoạt động giải trí và thư giãn sau giờ làm việc.

Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng, do đó họ cũng dần tăng chi tiêu cho hoạt động ăn uống của mình, và lựa chọn thực đơn đắt tiền hơn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bằng chứng là Golden Gate là một trong những chuỗi nhà hàng Việt có quy mô lớn nhất với hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc đang chứng kiến sự gia tăng doanh thu với hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Tình hình cung cấp dịch vụ ăn uống tại Việt Nam

Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh thương hiệu quốc tế như Lotteria, KFC, Jollibee vẫn đang thống trị thị trường với độ phủ lớn nhất, dù đang vấp phải sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, mảng giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng do tác động của dịch Covid-19 và chính sách giãn cách xã hội của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021.

Cũng theo một khảo sát được thực hiện cuối năm 2022, có khoảng 53.5% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Việt Nam cho phép đặt hàng trực tuyến, chủ yếu thông qua các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và ShopeeFood.

Điều này giúp cho phân khúc giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam trở thành ngành công nghiệp tỉ đô vào cuối năm 2022 với quy mô thị trường đạt 30 ngàn tỉ đồng.

Một Số Dữ Liệu Thống Kê Về Thị Trường Dịch Vụ Ăn Uống Tại Việt Nam

  • Năm 2021, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống của Việt Nam chiếm 1,73% tổng GDP cả nước, tương đương khoảng 147 nghìn tỷ đồng (Statista, 08/2022).
  • Năm 2022, Việt Nam có hơn 338 nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống. Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành nhà hàng trong vài năm qua, số lượng cửa hàng dịch vụ ăn uống ở nước này vẫn tăng đều đặn (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, thị trường dịch vụ ăn uống bên ngoài tại Việt Nam đạt doanh thu hơn 333 nghìn tỷ đồng, tăng so với năm trước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của lĩnh vực này giảm đáng kể trong năm 2020, 2021 và bắt đầu phục hồi vào năm 2022 (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, báo cáo ngành F&B tại Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu hơn 609 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước (Statista, 01/2023). Trước đại dịch COVID-19 vào năm 2020, lĩnh vực này có tổng doanh thu tăng hàng năm. Sau hai năm sụt giảm, mức tăng doanh thu vào năm 2022 cho thấy dấu hiệu phục hồi đầu tiên sau đại dịch.
  • Năm 2022, doanh thu từ quán cà phê và quán bar chiếm 44,3% tổng doanh thu của ngành F&B của Việt Nam, có tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong số tất cả các loại hình cơ sở dịch vụ ăn uống (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, 95% doanh thu từ thị trường dịch vụ ăn uống Việt Nam đến từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm độc lập, và chỉ có 5% doanh thu đến từ các chuỗi cửa hàng (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, hơn 57% cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam nằm ở khu vực phía Nam, trong đó, TP.HCM có nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống nhất, tiếp theo là Hà Nội.
  • Theo Q&Me, tính đến tháng 4/2022, tại Việt Nam có hơn 1,5 nghìn điểm bán hàng thuộc chuỗi nhà hàng, tăng nhẹ so với năm trước. Trong năm đó, chuỗi thức ăn nhanh Lotteria có nhiều nhà hàng hoạt động nhất trên cả nước với 210 cửa hàng, tiếp theo là KFC với 153 cửa hàng. Ngược lại, chuỗi cửa hàng McDonald’s đang vật lộn với việc tìm kiếm thị phần tại Việt Nam bất chấp vị thế thống trị trên toàn cầu của mình, khi chỉ có 20 cửa hàng trên khắp Việt Nam.
  • Năm 2019, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria ghi nhận mức doanh thu khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, trở thành chuỗi thức ăn nhanh có doanh thu cao nhất cả nước trong năm đó (Statista, 04/2021). Lotteria cũng là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh gia nhập thị trường Việt Nam sớm nhất, bắt đầu từ năm 1997.
  • Theo báo cáo của Q&Me năm 04/2022, có 1.524 chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam, trong đó, Highland Coffee là chuỗi cà phê dẫn đầu cả nước với 478 cửa hàng. Đến tháng 12/2022, Highland Coffee đã tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên mức 573 cửa hàng, tiếp theo là The Coffee House với 154 cửa hàng (Statista, 01/2023). Lưu ý rằng, Highland Coffee cũng là chuỗi cửa hàng cà phê có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2019.
  • Năm 2022, Cà phê Trung Nguyên là chuỗi cà phê có độ nhận diện thương hiệu cao nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam, với 75% phiếu bầu từ những người được hỏi, xếp thứ hai là Highlands Coffee với 67% (Statista, 01/2023).
  • Tuy nhiên, Highlands Coffee là chuỗi cà phê được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhất, theo đánh giá của 43% số người được hỏi trong nước, trong khi chuỗi Cà phê Trung Nguyên xếp thứ hai (Statista, 01/2023).
  • Theo Q&Me. tính đến 04/2022, Việt Nam có tổng cộng 439 cửa hàng trà sữa trân châu, trong đó TPHCM có số lượng cửa hàng cao nhất với 258 cửa hàng, trong khi đó, có khoảng 101 cửa hàng trà sữa trân châu ở các thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM. Bobapop là chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu lớn nhất với 89 cửa hàng, tiếp theo là Tiger Sugar với 48 cửa hàng.
  • Năm 2022, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam ghi nhận doanh thu xấp xỉ 30 nghìn tỷ đồng. Trong vài năm trở lại đây, thị trường này phát triển nhanh trong nước, thể hiện qua con số doanh thu ngày càng tăng bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành dịch vụ ăn uống trên khắp Việt Nam trong năm 2020 và 2021 (Statista, 01/2023).
  • Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2022 giữa các cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, khoảng 53,5% người tham gia khảo sát cho biết cơ sở của họ bán thực phẩm trực tuyến, trong đó, nền tảng giao đồ ăn GrabFood được lựa chọn nhiều nhất với 29% số cửa hàng tham gia khảo sát, tiếp theo là ShopeeFood. Mặc dù vậy, vẫn có 25% số cửa hàng khảo sát sử dụng hotline để nhận đơn hàng. (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, GrabFood là dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu tại Việt Nam, nắm giữ 45% thị phần trong mảng này, tiếp theo là ShopeeFood với 41% thị phần.
  • Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2022 tại Việt Nam, gần 65% số người được hỏi cho biết khoảng cách gần là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn dịch vụ ăn uống khi đặt hàng trực tuyến, trong khi đó, hương vị đồ ăn và thức uống là tiêu chí được lựa chọn nhiều thứ hai (Statista, 01/2023). Điều này có thể là do ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao trong năm 2022, hệ quả từ sự gia tăng của giá xăng dầu bởi cuộc chiến Ukraine và Nga.
  • Mặc dù vậy, cũng trong năm 2022, có 88% số người được hỏi cho rằng hương vị của đồ ăn, thức uống là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn một cơ sở dịch vụ ăn uống, trong khi đó, khoảng 73% coi giá cả là quan trọng khi chọn địa điểm ăn uống (Statista, 01/2023).
  • Năm 2022, khoảng 42,8% số người được hỏi đã đi ăn ngoài từ 1 – 2 lần mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 20% ​​trong số họ cho biết đã ăn tối hàng ngày ở bên ngoài.
  • Theo một khảo sát giữa các hộ gia đình Việt Nam năm 2021, 45% số người được hỏi cho biết thích chọn hình thức mua thực phẩm mang đi (Statista, 10/2022).
  • Năm 2022, tại Việt nam, có khoảng 30% người được hỏi chi từ 10 – 15 nghìn đồng cho bữa sáng, trong khi đó, 2.3% số người được hỏi cho biết đã chi trung bình trên 50 nghìn đồng cho mỗi bữa sáng.
  • Đối với bữa trưa, khoảng 43% người được hỏi đã chi từ 31 – 50 nghìn đồng/bữa (và giảm xuống 38% đối với bữa tối), trong khi đó, 1,4% số người được hỏi cho biết đã chi trung bình trên 100 nghìn đồng cho mỗi bữa trưa (và tỷ lệ này tăng lên 4.2% nếu đó là bữa tối).

TÓM LẠI VỀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TẠI VIỆT NAM

Như vậy, bạn đã tìm hiểu qua tình hình phát triển hiện tại của ngành Foodservice trên thế giới nói chung và tại Việt Nam, thông qua các số liệu thống kê được cập nhật từ các công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng như Statista, Q&Me…

Một số thông tin tổng hợp về ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam đầu năm 2023 như sau:

Số lượng cơ sở kinh doanh 338 ngàn
Doanh thu mảng OOH Food Service 333 ngàn tỷ đồng
Doanh thu mảng F&B 609 ngàn tỷ đồng
Tỉ trọng doanh thu từ chuỗi cửa hàng 5%
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất Lotteria
Chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Highland Coffee
Số lượng cửa hàng trà sữa 439
Doanh thu Online Food Delivery 30 ngàn tỷ đồng
Thương hiệu giao đồ ăn lớn nhất GrabFood

Nguồn trích dẫn: https://ychoc.com/seo-marketing/bao-cao-nganh-dich-vu-an-uong-viet-nam-2023/

Tin liên quan

Đối tác của chúng tôi

Shopee
Lazada
Zalo